Trang phục dân tộc phụ nữ Mường toát lên vẻ đẹp trang nhã

Người Mường là một trong số những dân tộc thiểu số có số lượng khá đông tại Việt Nam. Không chỉ vậy, người Mường còn sở hữu nhiều nét văn hóa vô cùng đặc sắc. Một trong số đó phải kể đến những trang phục truyền thống của người Mường. Trang phục truyền thống của người Mường được thiết kế rất công phu. Nhiều nhà nghiên cứu còn cho rằng, trang phục của phụ nữ Mường là đẹp nhất. Những họa tiết trên cạp váy, cạp áo đều được chăm chút rất kỹ. Điều này tạo ra nét riêng mà không ở đâu có cho người Mường. Vậy bộ trang phục dân tộc này bao gồm những gì? Ý nghĩa của những họa tiết ra sao? Hãy cùng saptg tìm hiểu về trang phục dân tộc Mường qua bài viết sau.

Giới thiệu về trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Mường

Có rất nhiều điều để mô tả về trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Mường. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Từ Chi đã từng viết rất hay về điều này. “Họ không khắc lên gỗ, lên đá, lên đồ gốm, lên kim loại. Không tạc tượng gỗ, tượng đá, không nặn tượng đất. Không đúc tượng đồng mà họ dệt cái quan niệm thẩm mỹ của mình lên cạp váy phụ nữ! Cạp váy ở đây, là như tượng, như tranh!”. Quả thật cái hay, cái đẹp, tinh túy và thâm sâu nhất đã được khắc họa trên bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Mường.

Giới thiệu về trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Mường
Giới thiệu về trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Mường

Một bộ trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Mường về cơ bản gồm những yếu tố sau: Chiếc khăn trắng thắt trên đầu, người Mường gọi là bít trôốc (hoặc mũ); Áo pắn (áo ngắn) có độ dài vừa chấm eo lưng; Áo chùng, tương tự như áo ngắn nhưng được kéo dài xuống ngang đầu gối, phía dưới hơi xoè rộng, hai vạt áo buông tự do, tạo cảm giác mềm mại (ngày nay thường chỉ thấy trong các lễ hội); Yếm; Váy, gồm hai phần chính là cạp váy và chân váy, cạp váy có màu sắc rực rỡ, được dệt rất công phu và là bộ phận nổi bật trên trang phục; Bộ tênh (khăn thắt ở eo) và đồ trang sức (gồm: vòng bạc đeo tay, chuỗi hạt cườm và bộ xà tích).

Điểm nhấn của trang phục

Nhưng trang phục truyền thống chủ yếu có 4 màu sắc chính là nâu, trắng, xanh và hồng. Áo pắn (áo ngắn) có cánh thân ngắn đến chấm eo lưng, xẻ ngực, ống tay dài. Bên trong là loại áo báng (yếm) cùng với đầu váy nổi lên giữa hai vạt áo ngắn.

Điểm nhấn của bộ trang phục nằm ở đầu váy và cạp váy. Khi mặc, mảng hoa văn nổi lên giữa trung tâm cơ thể. Đặc biệt, phần cạp váy thể hiện sự tinh tế, khéo léo, sâu sắc của người dệt. Phần này thường do ba bộ phận dệt riêng rồi can lại với nhau. Đi đôi với váy là bộ tênh, thường bằng vải đũi, màu xanh hoặc màu vàng, dài hơn sải tay, khâu nối hai đầu, thắt đúng giữa eo trên nền cao váy, làm nổi eo người mặc. Bộ sà tích bằng bạc được móc vào tênh từ bên hông đeo vòng về phía trước.

Màu sắc bộ trang phục phụ nữ Mường không rực rỡ nhưng trang nhã, sâu sắc, thể hiện tính cách của người phụ nữ Mường – chân thành, trầm lắng và hết sức tinh tế. Qua bộ trang phục truyền thống xưa kia cũng thể hiện rõ được gia thế, độ tuổi, tầng lớp phụ nữ và các vùng Mường.

Khăn đội đầu có ý nghĩa quan trọng

Đặc biệt, trong bộ trang phục của phụ nữ Mường, chiếc khăn đội đầu có ý nghĩa quan trọng. Đây là thứ không thể thiếu trong bộ trang phục truyền thống này. Khăn có màu trắng. Người Mường quan niệm màu trắng như một sự tinh khiết, thanh cao. Màu trắng còn là bầu trời, một cõi cực lạc và thoát tục. Vì vậy nên phụ nữ Mường đội đầu bằng chiếc khăn màu trắng để thể hiện lòng kính trọng và tôn vinh với trời đất.

Bên cạnh ý nghĩa về màu sắc, nét tinh tế, độc đáo, mang đậm tính triết học về nhân sinh quan của văn hóa Mường còn được thể hiện rất rõ trong cách đội khăn. Chiếc nút thắt của khăn nằm ở vị trí phía trên búi tóc thể hiện cho sự yên bình. Ngoài ra, bộ trang phục còn có áo chùng (chỉ mặc trong ngày lễ hội), khăn thắt áo, cạp cấu váy, vòng bạc, vòng cườm đeo cổ, đeo tay…

Khăn đội đầu có ý nghĩa quan trọng
Khăn đội đầu có ý nghĩa quan trọng

Phụ nữ Mường khi diện trang phục truyền thống gắn kết với phong thái nhẹ nhàng, duyên dáng cảm thấy tự tin, mềm mại và uyển chuyển hơn. Mỗi chi tiết trên trang phục không chỉ thể hiện giá trị văn hóa mà còn cho thấy sự khéo léo của những cô gái. Những cô gái Mường khoác trên mình bộ trang phục rực rỡ, tựa như những bông hoa đủ màu sắc rực rỡ giữa đại ngàn Tây Bắc. Và có lẽ chính những điều này đã khiến người phụ nữ Mường  luôn cảm thấy tự hào khi khoác lên mình bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *